Câu nói này tôi đã đọc được từ một bài viết tâm lý. Tôi nghĩ nhiều người sẽ không thích quan điểm đó lắm. Họ sẽ phản đối, hoặc ít nhất họ sẽ cau mày.
Tại sao?
Đây là tóm tắt nội dung câu chuyện:
Một anh bạn trẻ hỏi thầy giáo rằng làm sao để kỷ luật. Thầy mới hỏi tại sao cậu cần kỷ luật. Cậu bảo cậu muốn thành công, và cậu được biết rằng để thành công thì cần kỷ luật. Và cậu cần kỷ luật để dậy sớm, bước đầu tiên để thành công. Thầy giáo mới cười bảo: “Em không cần kỷ luật đâu, thật đấy. Bởi mỗi khi dậy sớm, chính em đã luôn đặt câu hỏi cho việc nên ngủ tiếp hay dậy mà. Thứ em cần là một MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG và nghĩa vụ PHẢI LÀM GÌ ĐÓ, lúc đó em sẽ tự khắc kỷ luật.”
Tôi khá tâm đắc, bởi đó là lần đầu tôi có thêm một góc nhìn khác về kỷ luật, thứ mà ai cũng rao giảng suốt ngày.
Thực tế, chúng ta cần biết chúng ta PHẢI LÀM GÌ và CÓ TRÁCH NHIỆM LÀM GÌ thì đúng hơn. Điều này sẽ gắn liền với ý nghĩa đằng sau của mục tiêu. Hãy xem bố mẹ là ví dụ. Họ không muốn dậy sớm đi làm. Thậm chí không thích. Bởi thực chất, họ PHẢI dậy sớm đi làm. Động lực nằm ở nhu cầu nuôi sống bản thân, gia đình và tương lai của gia đình.
Tôi nghĩ thay vì tìm cách rèn kỷ luật, hãy rèn việc xác định rõ mục tiêu bạn cần phải làm là gì. Chúng ta ai cũng muốn thay đổi, nhưng muốn là một chuyện, và làm được hay không là một chuyện. Bởi chính bạn nhìn nhận và có quan trọng điều bạn đang muốn hay không, đó mới là chìa khóa của mọi việc.
Kỷ luật sẽ có nếu bạn nhìn nhận tầm quan trọng của mục tiêu bạn cần làm.